Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

ÁN TREO, CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ

Một số vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý
 đối tượng chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo,
hình phạt cải tạo không giam giữ.

Trần Hữu Nghĩa
Phòng Tư pháp UBND huyện Thạch

H
 ình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, tính nghiêm minh của pháp chế trong nền Tư pháp của chế độ ta.
Thực hiện Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và Nghị định số 61/2000NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo; trong thời gian qua, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả bước đầu hai nghị định nói trên, đã quan tâm tạo điều kiện để người bị phạt tù cho hưởng án treo hoà nhập cộng đồng, rèn luyện sửa chữa lổi lầm. Chính quyền xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc lập hồ sơ, sổ sách và có biện pháp quản lý, giáo dục người bị kết án, hạn chế tình trạng tái phạm, góp phần ổn định TTATXH ở địa phương.
 Một buổi tuyên truyền pháp luật tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà.
Ảnh:   Diệu Thi (PTP)

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi thấy một số vấn đề cần trao đổi:
* Thứ nhất:  Các bị án thường có cuộc sống khó khăn và có xu hướng biến động về lưu trú nhưng chính quyền cơ sở còn một số bất cập như:
- Chưa ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người bị kết án hoặc có phân công nhưng nơi thì giao cho phụ trách Tư pháp, nơi thì giao cho phụ trách Công an;
- Lập chưa đầy đủ hồ sơ quản lý đối tượng. Không yêu cầu bị án làm bản tự kiểm điểm về quá trình tự cải tạo, phấn đấu khi họ đã chấp hành 1/2 thời gian thử thách. Công tác đánh giá nhận xét hàng tháng, quý về tình hình chấp hành pháp luật, quá trình tu dưỡng, rèn luyện cải tạo của người bị kết án chưa được thường xuyên, ghi nhận xét thiếu đầy đủ; không yêu cầu gia đình của bị án làm bản cam kết.
- Không đề nghị rút ngắn thời gian, miễn, giảm chấp hành hình phạt cho những người cải tạo tốt, thậm chí có nơi chưa cấp giấy chứng nhận cho người đã chấp hành xong thời gian thử thách.
- Người được phân công quản lý, giám sát đối tượng chưa thực hiện tốt việc định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND xã về tình hình chấp hành pháp luật của người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.
-  Một số UBND cấp xã không thông báo kịp thời cho Tòa án biết việc đối tượng hưởng án treo bỏ địa phương đi nơi khác làm ăn, để tòa án chuyển giao cho cơ quan, tổ chức nơi bị án chuyển đến tiếp tục giám sát, giáo dục.   Trong thực tế có trường hợp phạm tội khi bị bắt mới phát hiện là đối tượng được hưởng án treo và đang trong thời gian thử thách hoặc là bị án chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ…
* Thứ hai:   Sự phối hợp giữa Tòa án và chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và gia đình có người bị kết án trong việc giám sát, giáo dục chưa thường xuyên. Một số địa phương chưa phản ánh được kết quả thực hiện biện pháp phối hợp này để giáo dục, cảm hoá đối tượng. Việc chỉ đạo kiểm tra của các cơ quan chức năng ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể. Khi Toà án giao bản án, quyết định cho UBND xã, một số địa phương UBND huyện thiếu thông tin, dễ tạo ra “khoảng trống” trong quản lý, nếu không thực hiện tốt công tác phối hợp sẻ làm giảm hiệu lực của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
* Để thực hiện tốt công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cần:
- Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm hai Nghị định nói trên của Chính phủ;
- Tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa Tòa án và chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và gia đình có người bị kết án trong việc giám sát, giáo dục.
- Cùng với quá trình kiểm tra, sơ kết đánh giá, cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại để chính quyền cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tăng cường pháp chế XHCN;
- Việc phân công người trực tiếp quản lý, giám sát nên thống nhất giao cho Công an xã quản lý, phụ trách Tư pháp xã chỉ thực hiện nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền, tham mưu, tránh tình trạng bất cập ở một số địa phương hiện nay như đã nêu ở trên;
- Khi Toà án giao bản án, quyết định cho UBND xã cần thông tin cho UBND huyện để nắm bắt, chỉ đạo;
- Trong thực tế sau khi Toà án tuyên về hình phạt, trách nhiệm quản lý thuộc về UBND xã, phường, thị trấn vì vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và hỗ trợ việc quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở; tránh tình trạng “khoán” cho chính quyền xã, phường, thị trấn../.
THN-26/10/2010



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét