Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Khối các cơ quan Nội chính huyện Thạch Hà tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.



Thạch Hà là huyện cửa ngõ đi vào Thành phố Hà Tĩnh, có tỷ trọng công nghiệp đứng thứ 3 trong toàn tỉnh Hà Tĩnh, địa bàn rộng với 31 xã, thị trấn; trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững TTATXH đặt ra cho huyện nhà nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong đó, việc nâng cao ý thức pháp luật cho công dân, đẩy lùi tai - tệ nạn và phong trào toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm được Hội đồng phối hợp công tác TTPBGDPL huyện triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan trong khối Nội chính ( Quân sự, Công an, Tư pháp,Thanh tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Kiểm lâm, Thi hành án dân sự) trong thời gian qua đã hình thành một cơ chế phối hợp công tác có hiệu quả. Các hoạt động này trở thành nòng cốt trong công tác TTPBGDPL trên địa bàn.








 Hội nghị tuyên truyền Luật ATGT đường bộ tại xã Thạch Liên ngày 16/9/2012- Sự phối hợp của các ngành trong khối Nội chính.( Báo cáo viên: Ban An toàn giao thông tỉnh). Ảnh: Phòng Tư pháp.

Thực hiện Kế hoạch Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) năm 2012 của Hội đồng phối hợp công tác TTPBGDPL huyện; 9 tháng năm 2012, khối đã có nhiều hoạt động đẫy mạnh TTPBGDPL. Sự phối hợp trong tuyên truyền phòng chống tội phạm, tuyên truyền pháp luật về ATGT đường bộ, pháp luật về dân quân tự vệ và an ninh quốc phòng, TTATXH,  tổ chức các phiên tòa lưu động trên địa bàn, tuyên truyền qua loa phát thanh nhân “ngày pháp luật” hàng tháng; đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Tư pháp và Công an, quân sự, Hội Nông dân các xã, thị trấn, lồng ghép tuyên truyền về tận thôn, xóm, khu dân cư. 9 tháng 2012 Hội đồng PHCTTTPBGDPL đã tuyên truyền tập trung cho hon 12 000 lượt người, hàng ngàn khác được tuyên truyền qua loa phát thanh, tờ rơi và chương trình truyền thanh, truyền hình.
Sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong khối Nội chính ở huyện nhà có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định TTATXH trên địa bàn./.

Hữu Nghĩa
Phòng Tư pháp-UBND huyện Thạch Hà

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH




Ngày 25/11 hàng năm được Liên Hợp quốc lấy làm Ngày quốc tế phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện có 89 quốc gia có những quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có 60 nước có đạo luật riêng về vấn đề này, 7 nước có đạo luật chống bạo lực với phụ nữ. Dù vậy, ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ em vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình.




Một buổi tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh  ngày 11/9/2012. Ảnh: Phòng Tư pháp










Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, khoảng 30% phụ nữ trên thế giới từng bị đánh đập, lạm dụng tình dục, ép hôn hoặc các hình thức ngược đãi khác ít nhất một lần trong đời với đa số  thủ phạm đều chính là người trong gia đình. Tỷ lệ phụ nữ bị chồng hoặc bạn trai giết hại lên đến 40-70%, trong đó phổ biến ở các nước Australia, Canada, Israel, Mỹ. Ở Ấn Ðộ, mỗi năm có khoảng hơn 5.000 phụ nữ bị cướp đi mạng sống của mình vì nhà chồng cho rằng của hồi môn không đủ. Ở Băng-la-đét, theo thống kê tội giết vợ chiếm 50% trong số vụ giết người.

Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 8.000 vụ ly hôn với nguyên nhân là bạo lực gia đình. Theo các nhà nghiên cứu trong các gia đình Việt Nam có 25% gia đình xảy ra hành vi bạo lực tinh thần, 23% gia đình có bạo lực về thể chất, 30% cặp vợ chồng xảy ra hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Nạn nhân chủ yếu là người phụ nữ và con cái trong gia đình.

Bạo lực gia đình gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe và tâm lí của phụ nữ và trẻ em. Đối với phụ nữ, bạo hành gia đình gây ra những thương tật, tàn tật vĩnh viễn và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản như viêm nhiễm đường sinh sản, HIV/AIDS, rối loạn phụ khoa, nạo thai không an toàn, sảy thai,… Ngoài những ảnh hưởng về thể chất, bạo lực gia đình còn gây ra nhiều hậu quả xấu về tinh thần cho người phụ nữ như stress sau chấn thương, rối loạn/hoảng loạn, mất trí nhớ,… Còn trẻ em làm nhân chứng hoặc nạn nhân của bạo lực sẽ có thể đi đến niềm tin rằng: Bạo lực là phương thức hữu lý để giải quyết xung đột giữa con người với nhau. Số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành trong gia đình, song theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và Vụ Gia đình – ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Trung ương (nay thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện tại Bến Tre (2006-2007) đã xác định nguyên nhân gốc rễ của nạn bạo lực là sự bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về quyền lực; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và nhận thức của người dân (người gây ra bạo lực và bị bạo lực) về bạo lực gia đình còn hạn chế, các thành viên thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết phù hợp trong khi gia đình xung đột.

Ở nước ta, ngày 21/11/2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời, đồng thời Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật với chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi bạo lực gia đình. Tháng 8/2008, Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch đã triển khai “mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình” kết hợp lồng ghép tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.

Kể từ ngày 27/01/2010, Nghị định 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực. Nghị định này đã quy định 76 hành vi sẽ bị xử phạt. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính như cảnh cáo; phạt tiền. Mức phạt tiền cụ thể đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Chương II Nghị định này. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại; buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Người nước ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính. Điều 9 Nghị định quy định xử phạt hành vi đánh đập hoặc hành vi khác xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình; phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như sử dụng hung khí đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời, không chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. Điều 10 Nghị định nêu hành vi bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm có thể bị phạt từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng. Cùng mức phạt này là hành vi “Thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó sợ”. Có những hành vi như “Không cho thành viên gia đình đọc sách, báo, nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình” cũng bị coi là bạo lực gia đình, có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Những hành vi trên chỉ có thể coi là bạo lực nếu như hành vi “gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể xác hoặc tinh thần, kinh tế của thành viên khác trong gia đình”. Nghị định cũng quy định phạt tiền từ trên 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn. Nghị định không quy định về độ tuổi người tố giác; bất cứ người nào là nạn nhân hay người chứng kiến bạo lực gia đình đều có thể lên tiếng. Việc lấy lời khai của trẻ em phải theo quy định của quy định pháp luật, trẻ em dưới 15 tuổi nếu muốn tố giác hành vi bạo lực gia đình với cơ quan công an cần có người giám hộ. Tuy vậy, nạn bạo lực gia đình vẫn là nỗi nhức nhối của toàn xã hội hiện nay, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể cùng nhau tuyên truyền vận động xây dựng các thiết chế gia đình bền vững, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trong gia đình./.

Trần Hữu Nghĩa
Phòng Tư pháp huyện
( Sưu tầm)