Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Đăng ký hôn nhân thực tế: tưởng dễ hóa… khó

Đăng ký hôn nhân thực tế: tưởng dễ hóa… khó

Dang ky hon nhan thuc te tuong de hoa kho
Đăng ký kết hôn - quyền lợi của công dân được pháp luật bảo vệ
Luật sửa đổi bổ sung Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) năm 2000 đã không thừa nhận hôn nhân thực tế (HNTT), các cặp nam nữ chung sống với nhau phải đi đăng ký kết hôn (ĐKKH) thì mới được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Chính vì vậy, tại Nghị định 77/2001/CP của Chính phủ đã có hướng dẫn: “Trong giai đoạn hai năm kể từ khi Luật HNGĐ mới có hiệu lực thi hành, các cặp HNTT phải thực hiện nghĩa vụ ĐKKH”. Tháng 7-2004 đã sắp trôi qua nhưng việc đăng ký HNTT khó có thể đạt được.
Tiến sĩ TRẦN THẤT – Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp, Bộ Tư pháp đã chia sẻ những khúc mắc này.
* Thưa ông, Chỉ thị 02/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đặt ra mục tiêu phải hoàn thành việc ĐKKH cho các cặp HNTT trên cả nước vào 31-7-2004. Đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ đến đâu?
- Theo rà soát của các địa phương, trên cả nước còn khoảng 300.000 cặp HNTT chung sống với nhau thuộc diện bắt buộc phải đi ĐKKH. Dù các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành (gồm UBND, công an, tư pháp, giáo dục, UBGĐ&TE, Hội Phụ nữ) đưa các đội trợ giúp pháp lý cũng như các đoàn sinh viên tình nguyện của ĐH Luật xuống tận thôn, xã, thậm chí đến từng gia đình để làm công tác ĐKKH, nhưng theo báo cáo của các địa phương thì đến thời điểm này mới chỉ hoàn thành đăng ký cho khoảng 70% số đối tượng đã rà soát.
Các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ được đánh giá là làm tốt hơn các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc. TP.HCM, Bình Định, Ninh Thuận, Tây Ninh, Long An đều đạt trên 90%; Thừa Thiên – Huế, Nghệ An đạt dưới 60%; Quảng Trị, Bình Thuận, Hà Tĩnh chưa đạt 30%; cá biệt Sơn La chỉ đạt 5%. Riêng Hà Nội thì chưa… gửi báo cáo.
* Như vậy, việc chậm tiến độ như đã đề ra la do đâu?
- Nguyên nhân đầu tiên là từ chính những cặp vợ chồng. Họ quan niệm, đã chung sống với nhau nhiều năm rồi thì nay không cần thiết phải có giấy ĐKKH. Những cặp vợ chồng đã có cháu để bế bồng thì càng ngại đưa nhau ra xã để đăng ký.
Thứ hai, nhận thức của người dân (đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa) về quan hệ hôn nhân chưa cao. Họ chỉ biết khi về sống với nhau là phải ra đăng ký chứ chưa hiểu thủ tục đó là một quyền lợi của công dân được pháp luật bảo vệ.
Thứ ba, ở đâu thiếu sự quan tâm của chính quyền thì việc triển khai nhiệm vụ chậm.
* Đối với 30% cặp HNTT còn lại, dù đã hết hạn theo quy định nhưng chính quyền địa phương có còn tiếp tục cấp ĐKKH để tạo điều kiện cho họ thực hiện những quyền lợi hợp pháp của mình?
- Việc các cặp vợ chồng có giấy ĐKKH là rất quan trọng. Nếu không đăng ký, con chung của họ sẽ không được coi là con trong giá thú và muốn làm giấy khai sinh cho đứa trẻ đó, họ phải làm thêm thủ tục xin nhận con ngoài giá thú.
Về mặt tài sản, những cặp vợ chồng không đăng ký sẽ không có được các quyền và nghĩa vụ tài sản với nhau, vì tài sản họ cùng tạo dựng suốt thời gian chung sống sẽ không được coi là tài sản chung. Khi tham gia các giao dịch kinh tế, xã hội, dân sự nếu một bên ốm đau, bệnh tật mà vắng mặt thì bên kia cũng không có quyền thay mặt với tư cách là người đại diện hợp pháp.
Chính vì những quyền lợi sát sườn như vậy nên Bộ trưởng Bộ Tư pháp lại vừa ra chỉ thị để đôn đốc các địa phương tiếp tục cấp giấy ĐKKH cho các cặp HNTT. Thủ tục rất đơn giản, khi đi đăng ký, cặp vợ chồng chỉ cần làm tờ khai và xuất trình giấy CMND thì sẽ được UBND nơi người vợ, hoặc chồng đăng ký hộ khẩu cấp giấy ĐKKH.
* Trước đây, khi sửa đổi Luật HNGĐ, đã có nhiều ý kiến cho rằng vẫn nên tồn tại HNTT. Sau một thời gian thực thi luật mới, ông có nhận xét gì về quy định xóa bỏ HNTT?
- Với xu hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, việc xóa bỏ HNTT là một việc làm tất yếu, phù hợp với các khu vực kinh tế – xã hội phát triển. Tuy nhiên, khi quy định công nhận HNTT tồn tại ở xã hội VN đã mấy chục năm thì việc xóa bỏ nó chỉ trong vòng một, hai năm là khó thực hiện.
Ở những vùng nông thôn, vùng dân tộc, người dân chỉ cần làm lễ khi về ở với nhau còn rất rõ. Muốn thay đổi tập quán, truyền thống thì chính quyền các địa phương cần tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, vận động để cho từng người dân có sự chuyển biến tâm lý trước đã…
Theo Phụ Nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét