Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN


 


I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Với mục đích vừa bảo đảm sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị, vừa tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức của nhân dân cả nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (tháng 01 năm 2007) đã đề ra chủ trương tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một năm (là năm đầu của mỗi kế hoạch 5 năm). Thực hiện chủ trương này của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 05/2007/QH12 ngày 04/8/2007 về rút ngắn một năm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và Nghị quyết số 25/2008/QH12 ngày 15/11/2008 về kéo dài thêm hai năm nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, năm 2011, cả nước ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011) và tiến hành đồng thời cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Qua tổng kết thực tiễn các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, XII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, đã thực hiện theo các Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 và được sửa đổi, bổ sung năm 2001, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003, được tiến hành đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, dân chủ, tiết kiệm, đúng pháp luật và đều đạt được những kết quả tích cực, thành công trên nhiều phương diện từ công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện đến khi kết thúc cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, trong điều kiện tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong cùng một ngày thì sẽ có một số vấn đề vướng mắc phát sinh cần phải giải quyết, do Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có những quy định khác nhau về nội dung, trong đó vấn đề về chỉ đạo bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử, số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu, trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình bầu cử. Trong điều kiện hai cuộc bầu cử diễn ra cùng một thời điểm mà với các quy định khác nhau như vậy, nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử  độc lập theo từng luật thì sẽ rất phức tạp trong công tác chỉ đạo bầu cử, tổ chức thực hiện, gây lãng phí về thời gian, tiền của, nhân lực… Ngoài ra, còn có một số vấn đề bất cập phát sinh, trong đó có những vấn đề cần phải được nghiên cứu sâu hơn, kỹ càng hơn để đáp ứng được yêu cầu sửa đổi một cách căn bản, toàn diện và đồng bộ với các văn bản luật khác về tổ chức bộ máy nhà nước, các vấn đề liên quan đến quyền bầu cử, ứng cử của công dân như: vấn đề quốc tịch; điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử, tự ứng cử; các bước của quy trình hiệp thương…; đồng thời cũng cần phải rà soát lại một số quy định còn hạn chế, chưa phù hợp, gây khó khăn, lúng túng cho quá trình triển khai bầu cử để sửa đổi nhằm bảo đảm sự thuận lợi cho công tác bầu cử.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT TRONG LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội:
- Về khu vực bỏ phiếu, Luật quy định mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến hai nghìn cử tri. Thực tế bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII cho thấy, quy định này là chưa phù hợp với những địa phương có mật độ dân số cao, với những khu dân cư có trên hai nghìn cử tri.
- Về thành phần Tổ bầu cử, Luật quy định thành viên Tổ bầu cử gồm đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và đại diện cử tri ở địa phương, với số lượng từ năm đến mười một người. Tuy nhiên, do phải thành lập nhiều Tồ bầu cử nên trên thực tế nhiều địa phương đã không có đại diện của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tham gia Tổ bầu cử. Đây là quy định cần được sửa đổi để bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức thực hiện.
- Về giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công tác bầu cử, Luật không quy định về thẩm quyền giải quyết cho Tổ bầu cử dẫn đến các khiếu nại, tố cáo tập trung lên Ban bầu cử, gây quá tải đối với công việc của Ban bầu cử.
- Về số người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử, Luật quy định số người trong danh sách ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Quy định này đã không giải quyết được các trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng (sau khi danh sách những người ứng cử đã được công bố nhưng do người ứng cử bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị chết hoặc vì lý do khác phải xóa tên khỏi danh sách). Đối với các đơn vị bầu cử được bầu ba người, nếu số dư chỉ có một người thì chưa thực sự bảo đảm tính dân chủ để cử tri lựa chọn.
- Về thời điểm kết thúc cuộc bỏ phiếu, Luật chưa quy định điều kiện để Tổ bầu cử có thể tuyên bố kết thúc sớm tại các khu vực bỏ phiếu khi đã có 100% cử tri đi bỏ phiếu. Do đó đã gây lúng túng cho các Tổ bầu cử khi quyết định kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm hơn giờ quy định để có thể thực hiện các công việc khác của công tác bầu cử.
- Về thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, luật quy định là thời điểm sau khi Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử. Tuy nhiên quy định này là không phù hợp với thực tế vì các tổ chức phụ trách bầu cử này vẫn tiếp tục hoạt động sau khi Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử trong cả nước để thực hiện một số công việc như thông báo kết qủa bầu cử, giải quyết các vướng mắc phát sinh và quyết toán kinh phí về bầu cử…
2. Đối với Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
- Về trách nhiệm gửi biên bản và phiếu bầu của Tổ bầu cử cho các cơ quan hữu quan, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định Tổ bầu cử phải gửi biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu và các tài liệu khác về bầu cử tới Ban bầu cử, Ủy ban nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn. Trong những tài liệu đó thì phiếu bầu chỉ có một bản. Vì vậy, trong tổ chức thực hiện, Tổ bầu cử lúng túng không biết chuyển phiếu bầu cho cơ quan nào.
- Về thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng gặp những vướng mắc tương tự như đối với thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội.
- Luật chưa quy định rõ Hội đồng bầu cử phải trình cơ quan có thẩm quyền nào xem xét, quyết định việc hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm gây khó khăn trong thực hiện.
Với những vấn đề nêu trên, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết nhằm bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành thuận lợi, tiết kiệm, an toàn, dân chủ và đúng pháp luật.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
1 Góp phần bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, đáp  ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã  hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Kế thừa và phát huy những ưu điểm, những quy định vẫn còn  phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong những quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

3. Tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề vướng mắc thật sự cấp bách của các luật về bầu cử do tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày và trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương. Đối với những vấn đề khác thì cần tiếp tục nghiên cứu để tiến hành sửa đổi một cách cơ bản các luật về bầu cử trong thời gian tới.
 III. NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TRONG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Luật có cấu trúc nội dung của một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật, gồm 4 điều, cụ thể:
-  Điều 1: quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội;
- Điều 2: quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Điều 3: quy định về việc đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử;
- Điều 4: quy định về hiệu lực thi hành.
Các nội dung sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử địa biểu Hội đồng nhân dân như sau:
1.     Sửa đổi quy định về Hội đồng bầu cử ở trung ương
Việc sửa đổi được thiết kế theo hướng bên cạnh một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng đối với bầu cử đại biểu Quốc hội thì tổ chức này còn có các nhiệm vụ, quyền hạn chung đối với cả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, như: lãnh đạo việc tồ chức bầu cử trong cả nước; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định của pháp luật về bầu cử; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử. Đồng thời, sửa đổi quy định về trách nhiệm chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử của Chính phủ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cho phù hợp. (Điểm 3 Điều 1; điểm 2, 3, 9 Điều 2).
2. Sửa đổi các quy định về thành lập các Tổ chức phụ trách bầu cử
- Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để thay thế và thực hiện chung nhiệm vụ, quyền hạn cửa cả Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, các quy định về Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và quy định về Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã đã được sửa đổi thống nhất về tên gọi, thành phần, cơ quan chủ trì thành lập, thời hạn chậm nhất để thành lập với số lượng thành viên được tăng lên (Điểm 4 Điều 1; điểm 2, 4 Điều 2).
- Quy định Tổ bầu cử đồng thời thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại cùng một khu vực bỏ phiếu. Tổ bầu cử sẽ được tăng thêm số lượng thành viên. Sửa đổi thống nhất quy định về cơ quan chủ trì thành lập, thành phần và số lượng thành viên của Tổ bầu cử. (Điểm 6 Điều 1; điểm 6 Điều 2).
- Sửa đổi về cơ quan chủ trì thành lập, thành phần Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã nhằm bảo đảm tính thống nhất với việc thành lập tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp tỉnh và cấp xã (Điểm 5, 15 Điều 1; điểm 5, 13 Điều 2).
- Các luật bầu cử hiện hành giao cho Thường trực Hội đông nhân dân chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội; giao cho Ủy ban nhân dân chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong điều kiện bầu cử chung và thống nhất về tổ chức của một số tổ chức phụ trách bầu cử, Luật giao cho Ủy ban nhân dân là cơ quan chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương để bảo đảm tính thống nhất trong toàn quốc về cơ quan chủ trì thành lập tổ chức phụ trách bầu cử (vì Ủy ban nhân dân có đầy đủ ở cả ba cấp; trong khi đó, ở các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường sẽ không có Thường trực Hội đồng nhân dân).

3. Sửa đổi thống nhất quy định về số lượng cử tri tại mỗi khu vục bỏ phiếu và quy định khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được sửa đổi thống nhất từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Với số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được quy định với biên độ dao động từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri sẽ vẫn bảo đảm thuận lợi cho việc bỏ phiếu của cử tri cũng như việc thành lập các khu vực bỏ phiếu; đồng thời cũng không gây quá tải về công việc đối với các Tổ bầu cử trong điều kiện đã tăng số lượng thành viên tại mỗi Tổ bầu cử (Điểm 1 Điều 1; điểm 1 Điều 2).
4. Sửa đổi thống nhất quy định về mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu, theo đó Hội đồng bầu cử quy định mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu của cả đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu bầu cử, phiếu bầu cho Ủy ban bầu cử; Ủy ban bầu cử chuyển cho Ban bầu cử, Ban bầu cử chuyển cho Tổ bầu cử để phân phát cho cử tri. Quy định như vậy là phù hợp với thực tế và làm rõ được trách nhiệm của cơ quan hành chính trong việc bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho bầu cử (Điểm 3, 4, 6 Điều 1; Điểm 3 và 4 Điều 2; ).
5. Sửa đổi thống nhất về cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị cử tri nơi làm việc và nơi cư trú đối với cả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định theo hướng giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điểm 8 Điều 2).
6. Về số người ứng cử mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, Luật quy định: "Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó, nếu đơn vị bầu cử đó được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định" (Điểm 10 Điều 1).

7. Quy định về thời hạn niêm yết danh sách cử tri, thời hạn giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, mẫu biên bản bầu cử, việc gửi biên bản, phiếu bầu và trình tự, thủ tục trong ngày bỏ phiếu như thời gian bỏ phiếu, việc kiểm tra hòm phiếu, việc bỏ phiếu của cử tri, việc đóng dấu trên thẻ cử tri . . . đã được quy định cụ thể và rõ ràng hơn (Điểm 6, 8, 9, 11, 12, 13, 14 Điều 1; Điểm 6, 10, 11 Điều 2).
8. Thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử cũng được quy định rõ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc bầu cử chung (Điểm 7 Điều 1; điểm 7 Điều 2).
Như vậy, đã có 17 điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và 13 điều của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được sửa đổi; có 1 điều (mới) của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bổ sung (điểm 3 Điều 2) nhằm đáp ứng yêu cầu khi tiến hành bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong cùng một ngày và nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức bầu cử như đã trình bày ở phần trên.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Như vậy, việc Luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XII, phù hợp với quy định về thời gian có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 78 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành), và thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 01/01/2011 cũng đáp ứng yêu cầu của thời gian dự kiến công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là vào cuối tháng 01 năm 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét